Nhân việc các bạn sinh viên Hải Dương không chấp nhận sử dụng đồ bảo hộ không đúng tiêu chuẩn. Tôi viết bài này với vai trò là nhà sản xuất đồ bảo hộ y tế sản xuất các sản phẩm như áo choàng phẫu thuật (gown),áo liền quần (coverall, suit), khẩu trang, mặt nạ bảo hộ (face shield) theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và Châu Âu. Những tiêu chuẩn theo CDC Hoa Kỳ và tiêu chuẩn Châu Âu xin tham khảo link bên dưới.
- Những test tiêu chuẩn cho đồ bảo hộ y tế Personal protective equipment theo quy định (EU) 2016/425, loại III của Uỷ Ban Châu Âu.
- So sánh Gown và Coverall theo tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ
- So sánh 2 loại đồ bảo hộ áo choàng (Gown) và bộ đồ bảo hộ áo liền quần (Coverall) PPE (personal protective equipment) kiểm soát lây nhiễm cho COVID-19
Ở đây, tôi chỉ viết để các bs, nhân viên y tế nhận diện sản phẩm đang sử dụng có đủ bảo vệ trong tình huống của mình hay không.
Chìa khóa để lựa chọn và sử dụng đồ bảo hộ đúng cách là hiểu các mối nguy hiểm và nguy cơ phơi nhiễm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã phân loại ba đường lây truyền chính:
- Tiếp xúc (trực tiếp và gián tiếp).
- Các giọt đường hô hấp.
- Các hạt nhân trong không khí.
Bằng cách sử dụng đồ bảo hộ thích hợp, có thể tạo ra một hàng rào để loại bỏ hoặc giảm tiếp xúc và tiếp xúc với giọt, và do đó ngăn chặn sự truyền vi sinh vật giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Khi con đường lây truyền được xác định như trong trường hợp của Covid 19 (cả 3 đường nêu trên), người sử dụng nên sử dụng áo choàng và bộ bảo hộ có khả năng chống lại máu tổng hợp, cũng như sự lây lan của vi rút. Khẩu trang y tế level 2 ,3 hoặc N95 chuẩn Mỹ ( ffp2 tiêu chuẩn Châu Âu) và 1 mặt nạ vật liệu PET ngăn giọt bắn đạt chuẩn an toàn cho mắt, không hại mắt.
Một hiểu lầm phổ biến của nhiều người sử dụng là họ được bảo vệ khỏi máu, dịch cơ thể và các vật liệu có khả năng lây nhiễm khác khi họ mặc bất kỳ loại quần áo chống thấm chất lỏng nào hoặc áo choàng phẫu thuật hoặc cách ly.
A. Tiêu chuẩn cho quần áo bảo hộ cấp độ 4 theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ là gì ?
Quần áo bảo hộ muốn đạt được cấp độ 4 theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ thì phải vượt qua các thử nghiệm về chống lại sự xâm nhập máu và virus trước tiên. Nếu không vượt qua 2 tiêu chuẩn này thì không cần bàn đến cấp độ 4 nữa nha.
Hoa Kỳ thường sử dụng các phương pháp của Hiệp hội Kiểm tra và Vật liệu Quốc tế Hoa Kỳ (ASTM), trong khi Châu Âu thường sử dụng các phương pháp của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO)
ASTM F1670 là phương pháp thử nghiệm sự thâm nhập của máu nhân tạo
ASTM F1671 là phương pháp thử nghiệm về khả năng chống lại sự xâm nhập của các vật liệu được sử dụng làm quần áo bảo hộ đối với sự xâm nhập của các mầm bệnh qua đường máu.
Chỉ những bộ quần áo Cấp 4 mới được coi là ngăn cản được sự xâm nhập của virus theo tiêu chuẩn ASTM F1671.
Các thử nghiệm liên quan đến thấm khả năng chống thấm chất lỏng là bắt buộc phải có khi thử nghiệm sản phẩm:
- AATCC 42 Khả năng chống thấm nước: thử nghiệm xuyên va đập xác định khả năng của vật liệu chống lại sự xâm nhập của nước dưới tác động phun.
- AATCC 127 Khả năng chống nước: thử nghiệm áp suất thủy tĩnh xác định khả năng của vật liệu chống lại sự xâm nhập của nước khi tiếp xúc liên tục với áp suất ngày càng tăng.
Ngoài ra, các thử nghiệm liên quan đến độ bền vật lý của quần áo trong thời gian sử dụng dài như độ bền kéo, độ bền đường may, khả năng chống rách, khả năng chống gãy rạn, khả năng chống bay hơi và tốc độ truyền hơi ẩm.
Chúng ta cần biết rằng suốt thời gian sử dụng 8-12g chẳng hạn bộ đồ còn nguyên hiệu suất bảo vệ như ban đầu hay không.
Lưu ý rằng, tất cả các test đều phải thực hiện cả trên đường may và vùng dây kéo.
Coverall được thiết kế để bảo vệ toàn bộ cơ thể. Nó cho phép bảo vệ người mặc 360 độ, điều này đặc biệt quan trọng khi bạn không chắc chắn về hướng đi của các mối nguy môi trường tiềm ẩn.
B. Nhận biết chất liệu.
Tất cả các bộ Coverall xài 1 lần đều làm bằng vải không dệt (non woven fabric), được tạo ra bằng những hạt nhựa và với máy móc, kỹ thuật phun khác nhau mà tạo ra các loại vải khác nhau, định lượng khác nhau. Định lượng vải không dệt tính theo đơn vị gram trên m2. Mỗi loại vải có mức độ bảo vệ và ứng dụng khác nhau.
1.Vải Polypropylene ghi tắt là PP ( hay còn gọi vải Spunbond ghi tắt là S ) có các định lượng từ 20-60 gsm: là loại vải KHÔNG BAO GIỜ ĐẠT ĐƯỢC LEVEL 1 dù với bất cứ định lượng nào, dày cỡ 60 gsm cũng không đạt level 1 nha. Các bạn có thể lấy khẩu trang xài 1 lần ra coi lớp ngoài chính là vải PP nghen. Vải PP xài cho mask hầu hết 25gsm.
2.Vải PP phủ PE (PP coated PE) có các định lượng 30-80gsm: là loại vải có 2 lớp PP và PE. PE là lớp nhựa polyethylene (nhựa như 1 số loại áo mưa hay túi nhựa ấy). Lọai này test đạt level 4 với định lượng 40gsm nha. Vì phủ lớp PE nên nóng như mặc bọc nilon.
3. Vải SMS có các định lượng 25-80gsm: là loại vải gồm 3 lớp S, M và S.
S là spunbond hay PP, M là meltblown chính là lớp giữa của khẩu trang y tế. Loại vải này tuỳ theo kỹ thuật yêu cầu và giá thành mà có thể đạt các level khác nhau. Loại chuẩn thì SMS 25gsm đạt level 1, 35gsm level 2 và 45gsm level 3. Lưu ý là đạt chuẩn nha, còn không phải cứ định lượng như thế là đạt đúng level. Vải SMS dù dày cỡ này thì cũng KHÔNG VƯỢT QUA TEST LEVEL 4 nha. Ưu điểm là thóang mát, vải này hay dùng may áo choàng phẫu thuật (gown)
4.Vải PP phủ lớp microporous là lớp màng “thở được” hay còn gọi vải này là PP laminted PE. Cũng tạo bởi 2 lớp vải PP và PE nhưng kỹ thuật làm màng khác loại số 2 ( PP coated PE) nên nó thoáng và đạt level 4 dễ dàng nha.
C. Nhận biết kỹ thuật may:
Có các kỹ thuật may: may bằng đường may thông thường, may bằng máy cao tần (ultrasonic), hay may thông thường sau đó phủ 1 lớp băng keo dán bằng máy. (SEAM SEALING)
Bắt buộc phải dùng kỹ thuật may cao tần hay may phủ keo mới che được các đườnng may không bị xâm nhập bởi dịch, vi khuẩn, virus.
Áo bắt buộc phải có nẹp che dây kéo và nẹp này cần dán lại sau khi kéo dây kéo lên.
Mặc áo PP thì không an toàn đủ vì còn không đạt LEVEL 1. Các bác sỹ hay nhân viên y tế đi lấy mẫu hay chích vaccine nên dùng bộ đồ vải PP phủ PE hay PP laminated PE may bằng máy cao tần hay SEAM SEALING) mới đủ để bảo vệ nhé.
Bài viết liên quan: